HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM: THAM QUAN BẢO TÀNG KỸ THUẬT CỦA HỌC SINH KHỐI 11
Thăm khu nhà trưng bày 3 tầng, mỗi tầng 1.000m2 của Bảo tàng Kỹ thuật Việt Nam, HS được tận mắt chiêm ngưỡng hàng trăm loại vũ khí trong số hơn 5.000 hiện vật gốc, trong đó có rất nhiều bộ sưu tập vũ khí có giá trị lịch sử to lớn, minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển công nghệ vũ khí Việt Nam.
Ở đây, người xem có thể thấy mô hình chiếc nỏ thần Liên Châu của An Dương Vương (năm 257 - 208 trước Công nguyên) trong truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy; các loại cung, tên, giáo, mác, cọc gỗ bịt đá, máy bắn đá, pháo thần công cùng các phương tiện voi chiến, ngựa chiến, thuyền chiến... từng được người Việt sử dụng làm nên những chiến công hiển hách như: chiến thắng Bạch Đằng giang đánh tan quân Nam Hán vào năm 938 của Ngô Quyền, chiến thắng ải Chi Lăng diệt hơn 1 vạn quân Minh của Lê Lợi (1427), chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa đánh tan 29 vạn quân Thanh của vua Quang Trung (1789)...; cho đến các loại vũ khí hiện đại ngày nay. Đặc biệt là vũ khí do quân và dân Việt Nam sáng tạo sử dụng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) và chống Mỹ (1954 – 1975).
Qua hệ thống trưng bày của Bảo tàng, người xem có thể biết được quá trình phát triển của ngành quân khí Việt Nam. Ví dụ, ngay từ thời Hùng Vương người Việt đã có có nỏ, mũi tên đồng; nhà nước Đại Việt triều Trần (1225 – 1400) trang bị cho quân đội ngoài cung nỏ, giáo mác, khiên còn có máy bắn đá, hỏa tiễn - một loại pháo thăng thiên có nhiều chất cháy; quân đội nhà Lý (1010 – 1225) – Trần (1225 – 1400) đã coi trọng phát triển cả về tổ chức lực lượng, vũ khí trang bị và huấn luyện cho đội quân bộ binh, thủy binh, tượng binh, kỵ binh và pháo binh; năm 1405, nhà Hồ (1400 – 1407) chế tạo thành công các loại súng pháo đúc bằng đồng hoặc bằng gang. Đến thời nhà Nguyễn (1802 – 1945) đã tổ chức ra “Cục Thợ Khéo”, “Sở Đốc Công”, lập ra các xưởng sản xuất vũ khí ở kinh đô Huế và các tỉnh. Về vũ khí bộ binh, nhà Nguyễn đã sản xuất được các loại súng kíp, súng hoả mai, súng phun lửa bằng đồng, đại bác bằng gang. Nhiều tổ chức nghĩa quân đã tuyển chọn thợ đúc, thợ rèn, lập xưởng vũ khí và chế tạo được hàng trăm khẩu súng trường theo mẫu súng trường thu được của Pháp để đánh Pháp, khiến cho quân Pháp bị bất ngờ.
Bảo tàng Kỹ thuật Việt Nam là bản hùng ca giữ nước bằng hiện vật. Qua các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng, công chúng có thể hình dung khá trọn vẹn về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam. Những đại đao, mã tấu của các chiến sĩ “Tự vệ - công - nông” thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945; những quả tạc đạn, súng kíp, súng lục của 34 chiến sỹ đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (22/12/1944); những quả địa lôi, bom ba càng, súng bazoka... của bộ đội và du kích tự chế trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến năm 1946.
Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành quân giới Việt Nam đã chế tạo ra loại súng chống tăng CT62, thiết kế chế tạo súng cốc 60mm, cối 160mm và nhiều loại vũ khí tự tạo để đánh địch (mìn, lựu đạn, thủ pháo, các hướng nổ phóng...). Nhà khoa học quân sự Trần Đại Nghĩa cùng cán bộ, kỹ sư quân giới chế tạo vũ khí A12 nhẹ dễ mang vác, tiện cơ động để tiêu diệt các căn cứ, sân bay, bến cảng của địch trong phạm vi 10km. Vũ khí tự chế của quân dân Nam Bộ như súng ngựa trời (1960) hay mìn gạt (1967)... góp thêm sức mạnh chiến đấu của chiến tranh nhân dân toàn cầu toàn diện.
Bên cạnh đó, Bảo tàng còn trưng bày những vũ khí huyền thoại do nước bạn Liên Xô cũ trang bị cho Quân đội Nhân dân Việt Nam đã phát huy hiệu quả to lớn. Đáng chú ý như súng trường AK47, súng chống tăng RP6-7, xe tăng T54, máy bay vận tải đa năng MI-8, MI-24, AN-2, máy bay tiêm kích MG-21, hệ thống pháo phản lực tự hành BM21 với bệ phóng 40 nòng cỡ 122mm, hệ thống tên lửa phòng không SAM-2…
Có thể khẳng định, Bảo tàng kỹ thuật Việt Nam hứa hẹn sẽ là một địa chỉ thú vị dành cho những ai muốn khám phá về các loại vũ khí của người Việt từ xưa đến nay./.